Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy nhanh tốc độ triển khai Mobile Money để hỗ trợ cho phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ đặt mức ưu tiên cao. Sau quá trình thẩm định và yêu cầu bổ sung hồ sơ, mới đây ngày 20/7/2021Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)đã hoàn thành bổ sung và trình lại hồ sơ cho các cơ quan chức năng. Việc sớm đưa Mobile Money vào đời sống đang được kỳ vọng là giải pháp tích cực giúp thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam.
Quy trình thẩm định nghiêm ngặt
Chỉ với điện thoại di động, không cần tài khoản ngân hàng hoặc internet, Mobile Money được kỳ vọng có thể trở thành công cụ hiệu quả giúp Chính phủ thúc đẩy phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng chính bởi tính quan trọng và khả năng tác động tới đời sống được dự đoán là rất lớn của dịch vụ này, việc thẩm định hồ sơ đăng ký xin cấp phép Mobile Money của các doanh nghiệp được các cơ quan chức năng thực hiện rất thận trọng.
Cuối tháng 4/2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt thí điểm Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money. Do đây là dịch vụ mới tại Việt Nam nên để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều đơn vị chuyên môn nghiệp vụ của cả 3 cơ quan nói trên trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nộp hồ sơ lần 1, ba doanh nghiệp viễn thông là VNPT, Viettel và Mobifone đã được phản hồi, yêu cầu hoàn thiện thêm một số nội dung để trình Ngân hàng Nhà nước thẩm định lại. Tới hiện tại, VNPT là một trong những đơn vị đã hoàn thành nộp hồ sơ lần 2. Chia sẻ về quá trình nộp đề án Mobile Money, ông Nguyễn Sơn Hải – Đại diện VNPT cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tuân thủ quy trình thẩm định nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ, Ban, Ngành chức năng. Tuy chưa nhanh như mong đợi nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng đã chung tay, trực tiếp hoàn thiện cùng doanh nghiệp. Đây là việc cần thiết để Mobile Money khi đi vào thực tế có thể thuận lợi phát huy được những ưu thế của mình và giảm thiểu được những vấn đề phát sinh liên quan, qua đó đảm bảo quyền lợi và tính an toàn cho người dùng”.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho triển khai thực tế
Được biết, các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành chuẩn bị cho Mobile Money từ rất sớm. Trong suốt khoảng 2 năm trước khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định cho phép thí điểm Mobile Money, các doanh nghiệp VNPT, Viettel và Mobifone đã phối hợp cùng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) để chuẩn bị nội dung Hồ sơ. Song song với đó là chuẩn bị sẵn sàng những phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự và các chính sách liên quan.
Trong Quý I/2021, VNPT đã triển khai thí điểm Mobile Money nội bộ với hơn 40.000 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn trên toàn quốc. “Việc thí điểm nội bộ rất có ý nghĩa trong việc giúp chúng tôi diễn tập các kịch bản nghiệp vụ cũng như rà soát toàn trình và thử nghiệm mức độ thông suốt của hệ thống. Hiện tại, VNPT đã sẵn sàng để đưa Mobile Money ra thị trường chính thức, ngay khi được cấp phép” – Đại diện VNPT chia sẻ.
Có thể nói, sau quá trình làm việc tích cực và chuẩn bị kỹ lưỡng, hiện tại VNPT đã ở trạng thái sẵn sàng và đang rất trông đợi vào việc sớm có quyết định cấp phép triển khai Mobile Money từ Ngân hàng nhà nước.
Đẩy nhanh Mobile Money là nhu cầu cấp thiết nhằm thích ứng với dịch bệnh
Năm 2020, khi dịch Covid-19 có những dấu hiệu lan rộng, việc triển khai Mobile Money đã được xem là một nhu cầu cấp thiết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh, Chính phủ nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các quyết sách nhằm hạn chế việc tiếp xúc và sử dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, Chỉ thị 11 ngày 04/3/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile Money là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.
Nhờ khả năng vận hành chỉ cần tới mạng viễn thông mà không phụ thuộc vào internet hay tài khoản ngân hàng, Mobile Money không chỉ dễ dàng giúp thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ hàng ngày, mà còn là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có tăng trưởng ấn tượng tại tất cả các kênh: Internet tăng 65,9%; điện thoại di động tăng 86,3%; QR code tăng 95,7%. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng tài khoản ngân hàng chưa cao, nhưng mật độ thuê bao di động thì đạt trên 100%. Như vậy nếu được chính thức triển khai, Mobile Money sẽ là cú hích quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Với những lợi ích nêu trên, Mobile Money hứa hẹn một tương lai mà việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính được “bình dân hóa” và trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt đối với cộng đồng khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đó là viễn cảnh gần mà tất cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang cùng kỳ vọng./.
Ngày 25/6/2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông và kỷ niệm 25 năm mạng di động VinaPhone. Tròn 25 năm xây dựng và phát triển, là nhà mạng di động “thuần Việt” đầu tiên của Việt Nam - VinaPhone tự hào với những bước phát triển ấn tượng, mang dấu ấn tiên phong trên thị trường thông tin di động.
Những dấu ấn 25 năm VinaPhone
Ngày 26/6/1996, mạng di động VinaPhone - mạng di động đầu tiên do chính người Việt xây dựng và phát triển chính thức đi vào hoạt động. VinaPhone nghĩa là “mạng di động thuần Việt”, là niềm tự hào của trí tuệ người Việt, là tương lai của đất nước bắt kịp xu thế toàn cầu. Hành trình 25 năm VinaPhone được viết nên từ hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện của những kỹ sư trẻ khi lần đầu tiếp cận, làm chủ công nghệ mạng lưới, của những tổng đài viên, nhân viên bán hàng và rất nhiều những con người thầm lặng khác đã cống hiến tuổi trẻ, tâm huyết của mình để góp phần đưa VinaPhone lớn mạnh, vươn xa.
Những nỗ lực ấy đã được ghi dấu bằng nhiều kết quả đầy tự hào mà một trong những cột mốc đáng nhớ là việc VinaPhone trở thành nhà mạng đầu tiên phủ sóng toàn bộ các tỉnh thành của Việt Nam vào năm 1999, chỉ 3 năm sau khi ra đời.
Mạng VinaPhone tiếp tục đạt được nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp vào lịch sử ngành CNTT và viễn thông của Việt Nam. Năm 2002, VinaPhone đã đạt mốc 1 triệu thuê bao, vươn lên vị trí dẫn đầu. Với tinh thần bản lĩnh, sáng tạo, VinaPhone một lần nữa trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng đến 100% các huyện thị, các đảo trên cả nước, từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo, kết nối hàng triệu thông tin và cảm xúc, góp phần hiện thực hoá tương lai phát triển của đất nước.
10.000 trạm phát sóng dọc miền đất nước với 12 triệu thuê bao, đó là những con số biết nói của năm 2008. Cũng trong năm này VinaPhone vinh dự nhận giải thưởng “Mạng di động có dịch vụ phi thoại tốt nhất”. Các nỗ lực này đã mang đến sự tăng trưởng vượt bậc, tạo đà cho những bứt phá mới.
VinaPhone là nhà mạng đầu tiên triển khai công nghệ 3G băng thông rộng tốc độ cao. Hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước dành cho VinaPhone 3G, quan trọng hơn là sự tin yêu của hàng triệu khách hàng, sự ghi nhận cho những sự nỗ lực của một mạng di động tiên phong.
Khát vọng mang tương lai của công nghệ viễn thông đến gần hơn với xã hội Việt Nam ngày càng được hun đúc và nâng cao. Năm 2014, Công ty VinaPhone đã vinh dự đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2008-2012 do Chủ tịch nước trao tặng.
Những Chiến binh xanh VNPT VinaPhone đã chuyển mình thành Chiến binh số với quyết tâm đưa Việt Nam tiến nhanh vào kỷ nguyên số, thu hẹp mọi khoảng cách trong thời đại 4.0, phát triển mạnh các dịch vụ số ở nhiều lĩnh vực then chốt như Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục, Đô thị thông minh, Du lịch thông minh...
Đến thời điểm này, VNPT VinaPhone sở hữu một hạ tầng, mạng lưới viễn thông đáp ứng đầy đủ các nhu cầu quốc gia về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền không gian, phòng chống thiên tai cũng như nhu cầu đa dạng của gần 30 triệu khách hàng.
Tập đoàn VNPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên thử nghiệm thương mại 5G thành công tại Hà Nội và TP.HCM. Tổng dung lượng kênh truyền dẫn quốc tế của VNPT đạt trên 6.500 Gbps, lưu lượng truy cập Internet trên mạng di động tăng trung bình 70% hàng năm trong các năm gần đây. Từng bước chuyển đổi hạ tầng mạng lưới theo xu thế công nghệ SDN/NFV trên cơ sở hạ tầng Cloud tiên tiến nhất.
Việc cung cấp triển khai thử nghiệm dịch vụ công nghệ 5G trên mạng VinaPhone được đánh giá đang dần hiện thực hóa các ứng dụng AI, IoT, Robot... cho các thành phố thông minh và các doanh nghiệp. Đồng hành trong công cuộc chuyển đổi số, công nghệ 5G VinaPhone sẽ góp phần đáp ứng các mục tiêu kinh doanh cũng như phát triển kinh tế xã hội, an toàn an ninh, quốc phòng.
Cùng với đó, vị thế của VinaPhone liên tục được khẳng định từ những đánh giá uy tín khách quan của các tổ chức trong và ngoài nước, và ngày càng được nâng tầm khi tham gia phục vụ các sự kiện lớn của đất nước và quốc tế, phát triển những dự án mang tầm cỡ quốc gia, góp sức đưa Tập đoàn VNPT vững bước trên hành trình tiên phong, dẫn dắt Chuyển đổi số Quốc gia.
VNPT VinaPhone vinh dự đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2015 - 2019
Cũng tại lễ kỷ niệm 25 năm mạng di động VinaPhone, Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) đã vinh dự đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2015 - 2019. Đây là khoảng thời gian Tổng công ty đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và hoàn thành các mục tiêu về doanh thu/sản lượng cũng như chênh lệch thu chi/nộp ngân sách nhà nước tăng lên hàng năm.
Nếu như tổng doanh thu của VNPT VinaPhone năm 2015 đạt 14.478 tỷ đồng, thì tới năm 2019, tổng doanh thu đạt 42.230 tỷ đồng. Năm 2015, mức nộp ngân sách nhà nước 380 tỷ đồng và năm 2019, VNPT VinaPhone đã đạt mức nộp ngân sách nhà nước 1.302 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, với những kinh nghiệm cạnh tranh về dịch vụ di động và nguy cơ suy giảm doanh thu khi các các dịch vụ trên nền OTT, VNPT VinaPhone đã bám sát thị trường để đưa ra các nhóm giải pháp duy trì thị phần và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhiều chính sách kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác chăm sóc khách hàng, phát triển hạ tầng, công nghệ mới, dịch vụ mới đã được triển khai, nổi bật như: ký kết và triển khai dự án Smart City các tỉnh thành phố lớn; là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ di động vệ tinh Vinaphone S trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và các vùng hải phận quốc tế; Dịch vụ VnEdu ‘phủ’ tới 50% trường học cả nước; Khai trương 4G tại các tỉnh thành phố…
Cùng với đó, VNPT VinaPhone cũng được vinh dự tham gia và hoàn thành nhiệm vụ cung cấp dịch vụ viễn thông, đảm bảo công tác thông tin liên lạc của nhiều Hội nghị lớn của đất nước như: Hội nghị APEC 2017, Hội nghị VEF ASEAN 2018, Hội nghị Quan chức kinh tế cấp cao Asean (SEOM) 2019 tại Quảng Ninh…
Nhờ vậy, liên tục từ năm 2015 đến năm 2019, Tổng công ty đều được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Tập đoàn VNPT và liên tục được khen thưởng Cờ thi đua hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông và của Chính phủ. Vinh dự hơn nữa, đó là tấm Huân Chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2015 - 2019 mà toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên VNPT VinaPhone được đón nhận ngày hôm nay.
Trân trọng những thành quả của hiện tại và chặng đường đã qua, cùng tinh thần “Lãnh đạo tiên phong - trên dưới đồng lòng”, VNPT VinaPhone nói riêng và VNPT nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tạo nên nền tảng công nghệ định hình tương lai, đưa Tập đoàn VNPT tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số quốc gia và các tổ chức doanh nghiệp, đem lại những giá trị đích thực cho chính quyền và người dân Việt Nam.
Hội nghị Tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021 vừa diễn ra ngày 22/6. Đằng sau sự kiện được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia này, có dấu ấn của VNPT với vai trò đơn vị chủ trì công nghệ, đồng hành cùng Bộ Công An trong suốt chiến dịch “thần tốc” triển khai một dự án công nghệ chưa từng có tiền lệ, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
500 ngày thần tốc
Là một trong sáu hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng của quốc gia, việc triển khai xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư là bài toán khó với nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, công nghệ kỹ thuật, an toàn bảo mật thông tin, trong đó có yêu cầu đảm bảo tiến độ trong khối lượng và quy mô công việc khổng lồ cần xử lý nhanh, chính xác. Vượt qua nhiều phương án của các doanh nghiệp CNTT khác, với bề dày kinh nghiệm đã triển khai thành công hàng loạt các dự án CNTT trọng yếu cho Chính phủ và chính quyền các tỉnh/thành trong nhiều năm qua, đầu năm 2020, Tập đoàn VNPT đã được Bộ Công an tin tưởng, lựa chọn là đơn vị chủ trì thiết kế và xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư.
Ngay khi nhận được nhiệm vụ, VNPT đã huy động tổng lực, quyết liệt cùng liên danh nhà thầu triển khai ngay các hạng mục công việc với tốc độ “thần tốc” để đảm bảo hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, từ khâu khảo sát, mua sắm thiết bị, thiết kế phần mềm, triển khai lắp đặt, đến khâu đào tạo, chạy thử.
Trước yêu cầu về khối lượng công việc khổng lồ mà theo các chuyên gia, đây là khối lượng công việc bình thường phải mất cả năm trời mới có thể hoàn thành được đã được VNPT đã huy động một lực lượng cán bộ, kỹ sư CNTT tinh nhuệ của mình tại 63 tỉnh/thành hoàn thành trong thời gian ngắn, với môi trường làm việc nghiêm ngặt do tính chất bảo mật của dự án. Nhưng với quyết tâm “bám sát trận địa”, các thành viên tham gia dự án của VNPT đã làm việc xuyên ngày đêm để hoàn thành công việc đúng tiến độ, chất lượng và phạm vi dự án.
Vượt lên tất cả, VNPT làm chủ các công nghệ nền tảng mới nhất, tiên tiến nhất từ các hãng công nghệ lớn, áp dụng vào việc phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng nội bộ đảm bảo hệ thống được xây dựng tuân thủ và đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp phần mềm quốc gia và quốc tế.
Không phụ sự tin tưởng của Chính phủ và Bộ Công an, sau 5 tháng không ngừng nỗ lực, tháng 3/2021, hệ thống CSDLQG về dân cư – 1 trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng, quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam - đã chính thức được khai trương. Và từ 1/7/2021, hệ thống CSDLQG về dân cư chính thức được vận hành, đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác điều hành và phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021 vừa diễn ra ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, hai CSDLQG về dân cư và CSDL CCCD đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Khi đi vào vận hành, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ giúp các Bộ, Ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. “Hệ thống CSDLQG về dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó cũng chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.”, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm nhấn mạnh cho biết.
Khẳng định tinh thần, trí tuệ VNPT
Xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư là bài toán vô cùng phức tạp không chỉ bởi quy mô, thời gian gấp rút mà còn bởi những yêu cầu khắt khe mà Bộ Công an đặt ra về các hạng mục công việc, đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh bảo mật cấp độ 4 và làm chủ công nghệ. Để triển khai thành công dự án, Tập đoàn VNPT đã rất quyết liệt trong chỉ đạo và quyết tâm trong hành động. Toàn bộ nguồn lực của VNPT đã được huy động để hoàn thành kết nối tới tận vùng sâu, vùng xa với 11.000 xã, 700 huyện.
Nói về hành trình lịch sử này, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ: Chỉ trong một thời gian ngắn, cả hệ thống VNPT đã thể hiện được năng lực của mình đối với một dự án quan trọng bậc nhất. Đến giờ phút này, có thể đánh giá đây là một trong những dự án chuyển đổi số thành công nhất của quốc gia. VNPT đã huy động những nguồn lực trí tuệ tốt nhất để tạo ra được những giải pháp tốt nhất với bài toán quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Từ các giải pháp về phần mềm, các giải pháp về nghiệp vụ, đến những giải pháp mang tính chất hạ tầng… đã có sự vào cuộc của toàn bộ đội ngũ trí tuệ và tâm huyết nhất.
Thành quả này là kết quả những nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ hệ thống VNPT khi cung cấp một giải pháp trọn gói mang hình hài của một dự án chuyển đổi số tổng thể từ hạ tầng, từ nền tảng cho đến ứng dụng. Qua đó, VNPT đang kiến tạo nên những cơ hội với vị thế tiên phong trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Thành lập năm 1996, 25 năm qua, sự phát triển của mạng di động VinaPhone luôn gắn với những dấu mốc “lần đầu tiên” , tiên phong về cập nhật công nghệ và viết nên những câu chuyện đột phá của ngành Viễn thông Việt Nam. Hiện giờ, với chiến lược, mục tiêu phát triển mới của Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) - đơn vị kinh doanh chủ lực của Tập đoàn VNPT, chủ quản mạng di động, thương hiệu VinaPhone cũng bước vào giai đoạn phát triển mới với định hướng: Tiên phong trong chuyển đổi số.
Những dấu mốc đáng nhớ với hành trình tiên phong trong công nghệ.
Hành trình phát triển của mạng di động VinaPhone luôn gắn với những bước ngoặt mang tính cách mạng của ngành Viễn thông Việt Nam.
Ngày 26/6/1996, mạng di động VinaPhone ra đời ghi dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam có một mạng di động thuần Việt. Tính thuần Việt của mạng di động VinaPhone không chỉ thể hiện ở việc 100% vốn của doanh nghiệp này đều từ nguồn trong nước mà còn ở nhân lực. Toàn bộ đội ngũ quản lý, điều hành, khai thác và xây dựng mạng đều do người Việt đảm trách.
Trong cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng của thị trường viễn thông Việt Nam, VinaPhone cũng là một trong số ít nhà mạng vượt qua vòng tuyển chọn để sớm cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường. Ngày 12/10/2009, dịch vụ VinaPhone 3G chính thức được khai trương với thời gian thiết lập mạng băng rộng nhanh chóng. Sau 3G, VinaPhone tiếp tục triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Nếu như năm 2018-2019, VinaPhone mới bắt đầu đầu tư, nâng cấp để chuẩn bị cho việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ công nghệ VinaPhone 5G, thì thời điểm này, VNPT VinaPhone đã là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên cung cấp thử nghiệm thương mại dịch vụ VinaPhone 5G ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, Bình Phước, Bình Dương.
Đây không chỉ là sự khẳng định về năng lực cập nhật công nghệ của mạng di động VinaPhone mà còn là dấu mốc của cả ngành viễn thông Việt Nam trong xu thế công nghệ viễn thông của thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Mạng VinaPhone đang sở hữu một mạng lưới viễn thông đáp ứng đầy đủ các nhu cầu quốc gia về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền không gian, phòng chống thiên tai cũng như nhu cầu đa dạng của gần 30 triệu khách hàng. Với hơn 37.000 trạm phát sóng 3G, hơn 34.000 trạm phát sóng 4G, tốc độ Internet 3G/4G của VinaPhone đã được đánh giá “Nhanh nhất Việt Nam”.
“Cho đến thời điểm này, chúng tôi tự hào là đã không chỉ giữ vững mà còn phát huy tốt nhất những tiêu chí của thương hiệu VinaPhone đã xây dựng được trong 25 năm qua. Chúng tôi tự hào khi vị thế của VinaPhone liên tục được khẳng định từ những đánh giá uy tín khách quan của các tổ chức trong và ngoài nước, và ngày được nâng tầm khi tham gia phục vụ các sự kiện lớn của đất nước và quốc tế, phát triển những dự án mang tầm cỡ Quốc gia, góp sức đưa VNPT vững bước trên hành trình tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.”, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT VinaPhone chia sẻ.
VNPT VinaPhone với hành trình trẻ hóa thương hiệu VinaPhone
Đầu năm 2014, thị trường viễn thông có dấu hiệu bão hòa đối với các dịch vụ cơ bản, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông ngày càng khốc liệt. Tập đoàn VNPT đã sớm đưa ra chiến lược chuyển đổi nhằm xây dựng lại mô hình điều hành, tổ chức SXKD và định hướng phát triển, phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn trên thế giới. Năm 2015, Tập đoàn VNPT thành lập 3 Tổng công ty, trong đó, VNPT VinaPhone giữ vai trò là đơn vị kinh doanh toàn bộ SPDV của Tập đoàn VNPT.
VNPT VinaPhone với tập hợp gần 15.000 nhân viên, tập trung vào kinh doanh tất cả các dịch vụ của VNPT bao gồm dịch vụ di động VinaPhone, dịch vụ Internet (MegaVNN, FiberVNN), điện thoại cố định, dịch vụ truyền hình MyTV... Việc thành lập VNPT VinaPhone đã tạo ra và phát triển hệ thống kênh bán hàng tập trung, thống nhất, xuyên suốt toàn quốc, đa dạng hoá các điểm chạm và giao dịch với khách hàng của Tập đoàn VNPT thông qua: kênh Điểm bán, kênh Bán hàng trực tiếp, kênh Điểm giao dịch, kênh Bán hàng online, Telesale…
Với riêng mạng di động VinaPhone, một trong những định hướng phát đã được xác định trong chiến lược phát triển của VNPT và VNPT VinaPhone, đó là phải tạo được sự thay đổi đột phá về hình ảnh thương hiệu trong nhận thức khách hàng. Năm 2017 đã đánh dấu sự thay đổi tích cực của thương hiệu VinaPhone trong việc vận dụng các kênh truyền thông và Marketing hiện đại.
Thực hiện theo định hướng nhất quán là trẻ hóa thương hiệu, VinaPhone đã tăng cường độ phủ về thương hiệu đối với khách hàng trẻ tuổi, thay đổi cách tiếp cận, đưa thương hiệu VinaPhone gần gũi với giới trẻ hơn, mang lại nhiều cảm xúc đối với khách hàng.
VNPT VinaPhone đã tập trung phát triển dịch vụ hướng tới việc cá thể hóa từng đối tượng khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Nhờ đó, thương hiệu VinaPhone đã tạo được nhiều dấu ấn bứt phá đầy ấn tượng và đã được ghi nhận bằng giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế như: Nhà mạng 3G/4G nhanh nhất Việt Nam trong 2 năm 2018-2019 theo đánh giá của Ookla; thương hiệu VinaPhone nằm top 4 thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam năm 2020, trong top 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020 theo đánh giá của Brand Finance…
Nhưng hơn hết, VinaPhone đã trở thành mạng di động, thương hiệu được khách hàng tin dùng. Năm 2018, VinaPhone chiếm 21% thị trường di động, là mạng di động lớn thứ 2 tại Việt Nam đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ công nghệ tiên tiến, tiện ích.
Quyết liệt, tiên phong trong chuyển đổi số
“VNPT VinaPhone hội tụ đủ các yếu tố để có thể triển khai chuyển đổi số toàn diện chứ không chỉ dừng ở mức độ triển khai số hoá các công cụ và quy trình kinh doanh. Tôi tin tưởng đội ngũ VNPT VinaPhone sẽ chuyển đổi số thành công, góp phần cùng toàn Tập đoàn VNPT hiện thực hóa mục tiêu chiến lược VNPT4.0, tiếp tục khẳng định và giữ vững vị thế dẫn đầu của VNPT công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam”, ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định.
Trong chiến lược phát triển với mục tiêu khẳng định vị thế tiên phong trong chyển đổi số quốc gia, Tập đoàn VNPT đã yêu cầu VNPT VinaPhone tự chuyển đổi số, phải quyết liệt triển khai những giải pháp cụ thể để hiện thực hóa việc chuyển đổi số toàn diện, chuyển đổi số ở mọi hoạt động của doanh nghiệp, làm sao để ở VNPT VinaPhone, mỗi cán bộ, nhân viên sẽ là một “chiến binh số”.
Theo định hướng này, VNPT VinaPhone đã xác định 4 lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm bao gồm: Chuyển đổi tổ chức, con người, trong đó con người giữ vai trò quyết định; Chuyển đổi việc quản trị điều hành nội bộ trên môi trường số; Nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua số hoá các quy trình nghiệp vụ tại các điểm chạm, quản trị kênh và mở rộng kinh doanh trên môi trường số. Và cuối cùng, khai thác dữ liệu Big Data để tối ưu hoạt động SXKD và mở ra các cơ hội kinh doanh mới.
VNPT VinaPhone đã thành lập các đơn vị, bộ phận mới theo mô hình chuyển đổi số, thành lập nhiều Team dự án để hoạt động linh hoạt, hiệu quả trong môi trường số và liên tục mở các chương trình đào tạo nội bộ để chuyển hoá nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ cho chuyển đổi số. Song song với đó, VNPT VinaPhone đã thành lập 10 dự án chuyển đổi số thành phần để tập trung vào các lĩnh vực quản trị điều hành nội bộ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và ứng dụng khai thác dữ liệu Big Data. Riêng năm 2021, VNPT VinaPhone triển khai chuyển đổi số, dịch chuyển phần lớn nhân sự đang làm hiện tại sang lĩnh vực số. VNPT VinaPhone áp dụng triển khai các chương trình hành động theo mô hình “Agile” linh hoạt và chấp nhận thử - sai - sửa với tốc độ rất nhanh để các phương án kinh doanh, sản phẩm mới được đưa ra thị trường một cách kịp thời nhằm bắt kịp xu thế, cơ hội kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Song song với việc tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ, áp dụng chuyển đổi số cho chính mình, trong thời gian qua, VNPT Vinaphone đồng thời áp dụng công nghệ IoT, Big Data, BlockChain, ....tạo ra các sản phẩm dịch vụ số ưu việt, hệ sinh thái số cung cấp cho khách hàng. Theo Tổng giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trường Giang, tương lai mọi người sẽ không nói nhiều đến dịch vụ di động, dịch vụ băng rộng, hay các dịch vụ viễn thông đơn lẻ nữ mà người ta sẽ nói về các hệ sinh thái. “VNPT và VinaPhone luôn khát vọng và tâm nguyện hướng tới vị trí số 1 nhưng không phải số 1 về thuê bao di động mà là đi đầu, là số 1 trong việc cung cấp các hệ sinh thái cho các hộ gia đình, cho từng cá nhân. Chúng tôi gọi là cuộc sống số”.
Mục tiêu phát triển trong 3 năm tới của VNPT VinaPhone đặt trọng tâm về tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng sẽ phải tăng khá cao so với những năm trước, thậm chí cao hơn trung bình ngành. Đây là mục tiêu lớn, là thách thức lớn mà VNPT VinaPhone tự đặt ra cho mình. Tuy nhiên, “Vấn đề quan trọng là chúng tôi đã quyết tâm đi và bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Đấy sẽ hướng để chúng tôi tin rằng một ngày nào đó sẽ quay trở lại ví trí hàng đầu của tập đoàn VNPT”, Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh../.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa ra mắt trợ lý ảo AMI để mở rộng kênh hỗ trợ tương tác với khách hàng.
Là Tập đoàn tiên phong trong các dịch vụ số và ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, VNPT tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho người dùng khi ra mắt trợ lý ảo AMI giúp tương tác, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc 24/7.
Với mục tiêu chuyển đổi số trong mọi hoạt động tương tác với khách hàng, VNPT đã từng bước nghiên cứu vận dụng hai khái niệm internet vạn vật (IoT) và tự vận hành (autonomous control), cho phép kết nối một loạt các thiết bị thông minh có khả năng tự tổ chức và hoạt động riêng lẻ tùy theo tình huống hoặc kết nối với nhau để trao đổi thông tin, dữ liệu.
Việc tích hợp trí thông minh nhân tạo AI vào IoT còn có thể giúp các thiết bị, máy móc, phần mềm chủ động thu thập, phân tích hành vi tương tác của người dùng, từ đó có thể đánh giá và định hướng các sản phẩm dịch vụ phù hợp. Vì vậy AMI (Ambient Intelligence) ra đời với ý nghĩa là giao tiếp một chạm thông minh với khách hàng, có khả năng tự học, tự nhận biết, tự phân tích đánh giá và đưa ra quyết định xử lý trong công tác hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, AMI còn có ý nghĩa là người bạn.
VNPT hy vọng AMI không chỉ là một trợ lý ảo thông thường mà còn là một người bạn của khách hàng, tạo sự thân thiện, gần gũi. Khách hàng ở bất kỳ đâu hay thời gian nào đều có thể đặt câu hỏi cho AMI. Trong khi hầu như các chatbot hiện nay hướng dẫn người dùng đi theo từng bước để tìm kết quả cuối thì AMI lại giúp khách hàng “đi tắt.” Chỉ cần với click hoặc keyword đơn giản về nội dung như “chuyển mạng giữ số,” “đổi sim,” “khuyến mại”… khách hàng có thể nhanh chóng nhận được câu trả lời sau “1 chạm”, thay vì phải mất thời gian tìm kiếm theo nhiều bước.
Đại diện VNPT chia sẻ: “Dấu mốc sự ra đời của trợ lý ảo AMI nhân dịp kỷ niệm 25 năm VinaPhone cũng chính là lời khẳng định về quyết tâm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm khách hàng đối với các dịch vụ của VNPT.”
Hiện tại, khách hàng có thể giao tiếp với AMI trên website vnpt.com.vn, shop.vnpt.vn và ứng dụng My VNPT. Bên cạnh giới thiệu về sản phẩm dịch vụ, tra cứu thông tin thuê bao, đăng ký chuyển mạng hay hỗ trợ giải đáp, VNPT đang từng bước xây dựng “nhân hóa” AMI với những thông tin cá nhân ban đầu như hỏi nhà bạn ở đâu, bạn bao tuổi, thích làm gì hay AMI có người yêu chưa. Đây là nền tảng để trợ lý ảo AMI tiếp tục phát triển nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin đa dạng hơn, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, chuyển từ việc chat với khách hàng sang trò chuyện trực tiếp qua kênh Voicebot.
Tên cơ quan chủ quản: Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT Group)
Tên đơn vị: Viễn Thông Tây Ninh
Địa chỉ: Số 01 Đường Phạm Công Khiêm, Khu Phố 1, Phường 3, Tp.Tây Ninh
Email: vienthong.tnh@vnpt.vn
Điện thoại cơ quan: 0276.3822432
Điện thoại CSKH: 18001166